ĐỊNH HƯỚNG CÔNG TÁC DẠY HỌC CỦA TRƯỜNG THPT NGUYỄN DU GIAI ĐOẠN 2020-2025
Với phương châm giáo dục, đào tạo học sinh của nhà trường là học để hoàn thiện, học để ngày mai lập nghiệp, trường THPT Nguyễn Du chú trọng cả 2 mảng giáo dục và giảng dạy. Định hướng hoạt động dạy học của nhà trường giai đoạn 2020-2025 như sau:
1. Giáo dục toàn diện học sinh về nhân cách và kỹ năng sống.
1.1. Để sau này học sinh trở thành người tử tế, công dân tốt, có ích, trường THPT Nguyễn Du giáo dục học sinh những phẩm chất và những kỹ năng sống sau:
a) Về phẩm chất: chú trọng giáo dục những phẩm chất sau:
– Có tình yêu thương (yêu thương con người, yêu gia đình, yêu quê hương, đất nước);
– Sống trung thực;
– Sống có trách nhiệm (trách nhiệm với bản than, với gia đình, với cộng đồng, với đất nước);
– Cần cù chịu khó, có ý chí vượt khó, vươn lên.
b) Về kỹ năng sống: chú trọng những kỹ năng sau:
– Biết tự phục vụ và kiểm soát bản thận;-
– Sử dụng thời gian hiệu quả;
– Giao tiếp và ứng xử đúng mực, thân thiện;
– Hợp tác và chia sẻ;
– Đối diện với những khó khăn trong cuộc sống;
– Phân biệt hành vi hợp lý và chưa hợp lý.
1.2. Giải pháp thực hiện
a) Tăng cường giáo dục nề nếp, kỷ luật trong nhà trường: có các biện pháp cụ thể, hiệu quả để học sinh thực hiện nghiêm các quy định của nhà trường như, không đi học muộn, không nghỉ học khi không có lý do chính đáng (Giám thị điện thoại ngay đến cha mẹ học sinh nếu học sinh chưa đến trường sau 10 phút giờ vào lớp), không hút thuốc lá, trang phục theo quy định của trường, không mang điện thoại vào lớp (nhà trường giữ hộ điện thoại của học sinh trong cả buổi học),…
b) Đổi mới, nâng cao chất lượng giờ sinh hoạt lớp, sinh hoạt chung toàn trường với các hình thức phong phú, hấp dẫn (tổ chức tọa đàm, trò chơi, câu lạc bộ,…).
c) Tăng cường các hoạt động ngoài giờ lên lớp: tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT, dã ngoại, mời chuyên gia và những gương điển hình tốt về trao đổi, nói chuyện với học sinh, với cha mẹ học sinh,…tạo điều kiện cho học sinh được trải nghiệm với môi trường bên ngoài.
d) Đẩy mạnh hoạt động của đội ngũ giám thị, của Đoàn TN trong việc quản lý và tổ chức các hoạt động cho học sinh.
e) Kết hợp thường xuyên, hiệu quả với cha mẹ học sinh: trao đổi thông tin đột xuất (khi học sinh đi học muộn, về muộn, nghỉ học, khi học sinh có khuyết điểm,…), trao đổi thông tin định kỳ để nắm bắt tình hình học tập tập, rèn luyện, việc ứng xử, tác phong ở trường, ở nhà của học sinh,….
f) Nắm bắt được quan hệ xã hội của những học sinh chậm tiến.
2. Nâng cao chất lượng giảng dạy các môn văn hóa, tăng cường dạy môn Tiếng Anh và Tin học ngoài chương trình quy định
Với đội ngũ cán bộ quản lý (Ban Giám hiệu, đứng đầu là thầy Hiệu trưởng tâm huyết, có nhiều kinh nghiệm trong gần 20 năm làm công tác quản lý tại trường THPT), với đội ngũ giáo viên được chọn lọc đạt chuẩn và trên chuẩn, trong đó nhiều thầy cô có trình độ thạc sĩ, có giáo viên đang làm luận án tiến sĩ, nhiều giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, giáo viên tham gia ra đề thi học sinh giỏi, ra đề thi THPT Quốc gia, trường THPT Nguyễn Du chú trọng:
2.1. Nâng cao chất lượng giảng dạy các bộ môn văn hóa với các giải pháp sau đây:
a) Đổi mới phương pháp dạy học theo phương châm lấy học sinh làm trung tâm. Chuyển từ phương pháp dạy học truyền thống (dạy học tiếp cận kiến thức) sang dạy học tiếp cận năng lực học sinh. Chú trọng dạy học sinh cách vận dụng kiến thức, rèn luyện kỹ năng, hình thành năng lực và phẩm chất.
b) Tổ chức các hình thức dạy học như, dạy học cá nhân, dạy học theo nhóm, học trong lớp, học ngoài lớp.
c) Sử dụng các thiết bị tiên tiến, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy
d) Đổi mới khâu kiểm tra đánh giá: Bài kiểm tra định kỳ được nhà trường tổ chức theo hình thức 3 chung (chung đề, chung thời điểm, chung biểu điểm đáp án), học sinh được tự chấm điểm (cấp đáp án, biểu điểm cho học sinh).
2.2. Tăng cường dạy học môn Tiếng Anh và môn Tin học ngoài chương trình quy định bắt buộc trong trường THPT của Bộ GDĐT
a) Nếu học sinh tự nguyện, học lực môn Tiếng Anh lớp 9 từ trung bình khá trở lên, có đăng ký, nhà trường sẽ tổ chức (bắt đầu từ lớp 10) mỗi khối một lớp (khoảng 25 học sinh) học thêm Tiếng Anh theo chương trình IELTS, có đóng học phí, do giáo viên là người nước ngoài dạy.
b) Tổ chức cho học sinh (nếu học sinh tự nguyện) học chương trình Trung cấp Công nghệ thông tin.